Tìm kiếm Dọc_mùng_(tranh)

Sau chiến dịch Đại thắng mùa xuân 1975, cố họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Cung, nguyên Viện trưởng đầu tiên của Viện Mỹ thuật Việt Nam đã chỉ thị cho người cộng sự của mình là họa sĩ, nhà điêu khắc Nguyễn Thiện vào Đà Lạt tìm và đưa bức sơn mài nổi tiếng của danh họa Nguyễn Gia Trí về Hà Nội an toàn, nguyên vẹn.

Họa sĩ Nguyễn Thiện người cộng sự năm xưa giờ đã vào tuổi 80 bồi hồi kể lại:

"Sau giải phóng miền Nam 1975, tôi khi đó là Trưởng phòng Phục chế, trang trí và trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được ông Nguyễn Đỗ Cung, Viện trưởng gọi lên giao nhiệm vụ vào Nam tìm và đem bằng được bức tranh Dọc mùng của họa sĩ Nguyễn Gia Trí lúc đó đang được đặt tại dinh thự của Ngô Đình DiệmĐà Lạt về Hà Nội. Nhận nhiệm vụ, tôi không dám hỏi lại Viện trưởng vì sao chỉ cử một mình tôi vào tìm, đem bức tranh về, bởi tôi biết ông là một người rất cẩn trọng. Lặng lẽ gói gém hành trang tôi lên đường với hy vọng hoàn thành nhiệm vụ."

"Sau vài tuần vất vả đi đường, tôi cũng đến được Đà Lạt, và thật may mắn công tác bảo vệ, giữ gìn các công trình kiến trúc của chế độ cũ được các cơ quan Trung ương cũng như địa phương làm khá tốt sau giải phóng.

Hầu như các hiện vật là các bức tranh quý tại các dinh thự của quan lại chế độ cũ được bảo quản khá nguyên vẹn. Bức tranh Dọc mùng được tôi tìm thấy tại dinh thự cổ của một viên chủ đồn điền Pháp tại Đông Dương được Ngô Đình Diệm chọn làm nơi ở mỗi khi lui về nghỉ dưỡng tại Đà Lạt.

Khi đó tôi thật sự cảm phục sự tinh tế của ông Nguyễn Đỗ Cung và hiểu vì sao Viện trưởng lại cử mình vào tìm bức tranh.

Một vấn đề khó khăn xuất hiện sau khi tìm được bức tranh. Đó là làm sao đưa được bức tranh trở về Hà Nội một cách an toàn và nguyên vẹn, bởi bức tranh là bình phong khổ lớn gồm tám bức ghép có kích thước 160cmx400cm. Tôi đành điện ra Hà Nội báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo và Viện trưởng đã cử một đoàn công tác đặc biệt do họa sĩ Nguyễn Văn Y, một bậc thầy về gốm, khi đó là Phó Viện trưởng Viện Mỹ thuật Việt Nam dẫn theo tổ công tác gồm họa sĩ Chu Khắc Thuật, Lê Kim, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Bích, Hải Yến… là cán bộ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào hỗ trợ tìm cách đưa bức tranh trở về".

Ông Thiện kể tiếp: "Sau giải phóng, giao thông đi lại thật gian khó, nhưng khi chúng tôi đề xuất với địa phương về sự quan trọng cần gìn giữ và đưa bức tranh ra Hà Nội phải được đảm bảo an toàn tuyệt đối, nên đã được tạo điều kiện rất thuận lợi". Và hành trình của "chuyến xe đặc biệt" vận chuyển bức tranh sơn mài đẹp nhất Việt Nam về Sài Gòn rồi sau đó ngược ra Bắc an toàn.[4]